Văn hóa và sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt: Văn hoá không những là nền tảng tinh thần của xã hội, quan trọng hơn, văn hóa còn có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội và như một động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cần đặc biệt nhấn mạnh điều này để khắc phục quan điểm sai lầm đã từng ngự trị trong tư duy của nhiều người khi họ chỉ coi văn hoá là cái bóng, cái đuôi, cái ăn theo kinh tế. Do vậy, không nên coi sự phát triển bền vững của đất nước chỉ bao gồm ba trụ cột cơ bản là bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường, mà còn cần phải coi sự phát triển bền vững về văn hóa là trụ cột thứ tư, mà văn hoá thì chỉ có ở con người, do vậy rất cần sự phát triển bền vững con người. Trong điều kiện có những biến động toàn cầu rất khó lường hiện nay, để phát triển bền vững đất nước thì rất cần một tầm nhìn lâu dài, bao quát nhiều mặt và toàn diện, hay nói cách khác, rất cần một cách nhìn và cách tiếp cận hệ thống.
Văn hóa và sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Tóm tắt: Văn hoá không những là nền tảng tinh thần của xã hội, quan trọng hơn, văn hóa còn có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội và như một động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cần đặc biệt nhấn mạnh điều này để khắc phục quan điểm sai lầm đã từng ngự trị trong tư duy của nhiều người khi họ chỉ coi văn hoá là cái bóng, cái đuôi, cái ăn theo kinh tế. Do vậy, không nên coi sự phát triển bền vững của đất nước chỉ bao gồm ba trụ cột cơ bản là bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường, mà còn cần phải coi sự phát triển bền vững về văn hóa là trụ cột thứ tư, mà văn hoá thì chỉ có ở con người, do vậy rất cần sự phát triển bền vững con người. Trong điều kiện có những biến động toàn cầu rất khó lường hiện nay, để phát triển bền vững đất nước thì rất cần một tầm nhìn lâu dài, bao quát nhiều mặt và toàn diện, hay nói cách khác, rất cần một cách nhìn và cách tiếp cận hệ thống.Từ khóa: văn hóa, con người, phát triển bền vững.
Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, dù có nhiều lúc gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức, song Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn luôn coi trọng vai trò của văn hóa, đặt văn hóa vào vị trí quan trọng, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Khi đất nước thống nhất hoàn toàn và nhất là từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới (năm 1986), Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao vai trò của văn hóa. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (khóa VI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) ngày 16-07-1998
Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đều là những nghị quyết rất quan trọng về lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã gắn kết văn hóa với sự phát triển kinh tế - xã hội và với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; gắn kết văn hóa với mọi hoạt động xã hội về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp…, đồng thời khẳng định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: 55).
Những luận điểm được Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nêu lên là hết sức đúng đắn, rất đúng lúc và vô cùng cần thiết, bởi vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh diễn ra những biến đổi toàn cầu hết sức mạnh mẽ; là cơ sở để khắc phục những quan điểm sai lầm đã từng ngự trị trong tư duy của một số không ít người khi họ cho rằng, văn hóa chẳng khác gì là cái bóng, cái đuôi, là cái ăn theo kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết trên còn có giá trị thực tiễn rất cao khi coi văn hóa là
động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thế giới ngày nay.
Giờ đây, khi đại bộ phận các nước trên thế giới đã và đang bước vào nền kinh tế tri thức ở các mức độ khác nhau thì cần có sự nhận thức mới hơn và ở một tầm cao hơn về vai trò quan trọng của văn hóa trong
sự phát triển bền vững của đất nước, chứ không nên chỉ dừng lại ở quan niệm đã từng phổ biến của những năm 80-90 của thế kỷ 20. Bởi vì, lịch sử cho thấy, sự phát triển của đất nước về mọi mặt, kể cả kinh tế lẫn chính trị và cả con người, xét đến cùng, nếu muốn đi thật xa, nếu muốn ngày càng trở nên bền vững hơn thì đều phải nằm trong quỹ đạo của văn hóa và phải có văn hóa dẫn đường. Về điều này, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã từng có một khẳng định rất quan trọng rằng, văn hoá phải chỉ đường cho quốc dân đi, rằng “văn hóa … không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (Hồ Chí Minh, 1995: 368-369).
Trước sự suy thoái quá nhanh chóng và hết sức nghiêm trọng của môi trường tự nhiên, trước sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo mà trước đó ai cũng tưởng như vô tận, và nhất là sự khủng hoảng sinh thái đã hiển hiện trước mắt nhất là qua sự biến đổi khí hậu, mà từ cuối những năm 70 đầu những năm 80 thế kỷ 20, các nhà khoa học và chính trị trên thế giới đã đưa ra ý tưởng và quan điểm về sự phát triển bền vững (
Sustainable development). Năm 1980, khi Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) bàn về sự phát triển bền vững, tuy đã có đề cập đến sự bền vững sinh thái, song chưa đề cập đến các mặt khác trong sự phát triển liên quan đến xã hội và con người. Trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” (1987), Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) của Liên hợp quốc đã đưa ra quan điểm mới hơn, coi “phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam, 2004: 5). Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, quan điểm này về phát triển bền vững vẫn còn khá chung chung và vai trò của văn hóa đang nằm ở ngoài tầm chú ý.
Năm 1992, tại Rio de Janeiro (Brazil), Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển, và 10 năm sau đó (2002) tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi), Hội nghị Thượng định thế giới về phát triển bền vững đã có sự bổ sung, phát triển cụ thể hơn các văn kiện quốc tế được đưa ra trước đó khi coi phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp hài hòa, hợp lý và chặt chẽ giữa ba mặt trong phát triển là: phát triển bền vững về
kinh tế, phát triển bền vững về
xã hội, bảo vệ và phát triển bền vững về
môi trường. Trong ba mặt đó, việc
phát triển bền vững về kinh tế chú trọng đến tốc độ tăng trưởng ổn định trong một thời gian tương đối dài, bảo đảm chất lượng tăng trưởng thể hiện ở hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sự
phát triển bền vững về xã hộihướng trọng tâm vào các khía cạnh tiến bộ, công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm, ổn định đời sống người dân; bảo vệ và
phát triển bền vững về môi trường tập trung vào việc đề phòng, ngăn ngừa, khắc phục các loại ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường; khai thác hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ diện tích rừng hiện có, chống đốt rừng và chặt phá rừng tự nhiên, nhất là rừng nguyên sinh, để lấy đất sản xuất, lấy đất trồng cây công nghiệp hoặc làm bãi chăn thả gia súc. Như vậy, sự phát triển về cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường tạo thành một chỉnh thể thống nhất tạo nên sự phát triển bền vững theo quan điểm mới hơn.
Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, trong các văn kiện chính thức và rất quan trọng nêu trên ấy của cộng đồng thế giới,
vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội vẫn còn khá mờ nhạt, chưa có vị trí xứng đáng như đáng lẽ nó phải có. Song, cũng chính trong giai đoạn này, UNESCO đã nhận rõ tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển và trong việc điều tiết kinh tế - xã hội hiện đại thể hiện ở việc phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988-1997). Điều này thể hiện qua việc cựu Tổng Giám đốc UNESCO, ông Federico Mayor, đã từng nhấn mạnh rằng, “từ nay trở đi,
văn hóa cần coi mình như một nguồn cổ súy trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội” (Uỷ ban quốc gia về Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, 1992: 22). Điều đó có nghĩa rằng, theo ông Federico Mayor, văn hóa vừa có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội và điều quan trọng hơn, vừa có vai trò như một động lực bên trong, động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải là nhân tố nằm bên ngoài sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những điều trình bày trên đây một lần nữa cho thấy rằng,
nhận thức của con người về vai trò của văn hóa trong sự phát triển nói chung và trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, là một quá trình; quá trình đó ngày càng đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Vì vậy, giờ đây chúng ta không nên coi sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội chỉ xuất phát và chỉ bao gồm ba trụ cột cơ bản là bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường như bền vững về xã đã được thừa nhận khá rộng rãi suốt nhiều năm qua. Bên cạnh các trụ cột gồm phát triển bền vững về kinh tế, hội và bền vững về môi trường thì sự phát triển bền vững của bất cứ một quốc gia nào trong thời đại ngày nay cũng còn cần phải có sự
phát triển bền vững về văn hóa với tính cách là trụ cột thứ tư.
Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác, không thể đạt được sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nếu như văn hóa dân tộc cùng các giá trị đã được thẩm định qua thời gian bị phai nhạt, bị mai một, bị giới trẻ lãng quên và nhất là bị huỷ hoại do sự kém cỏi trong việc hoạch định và thực thi các chính sách trong thực tiễn. Trong thực tế, chúng ta không những chưa thực hiện tốt mong muốn của Hồ Chí Minh là “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc” và “hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng” (Hồ Chí Minh, 1995: 173) mà còn mắc phải nhiều yếu kém khác như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã chỉ ra (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: 46-54).
Đã gần chục năm trôi qua từ đó nhưng cho đến nay những yếu kém ấy dường như vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu, thậm chí có mặt còn trở nên suy thoái nặng nề hơn. Bài viết này chỉ đề cập đến một số khía cạnh quan trọng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa; coi văn hóa như động lực nội sinh trong quá trình phát triển; chỉ ra những điểm cần làm tốt hơn trong lĩnh vực văn hoá để có sự phát triển bền vững đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Dễ dàng nhận ra rằng, từ khi chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một nền
văn hoá kinh doanh tương xứng, đủ sức đáp ứng các yêu cầu cao của công cuộc hội nhập quốc tế. Hơn thế nữa, những giá trị của văn hóa và đạo đức kinh doanh truyền thống hiện cũng có mặt đã bị suy thoái hoặc xuống cấp trầm trọng, bộc lộ rõ ở tất cả các khâu, từ khâu sản xuất, chế biến hoặc nhập khẩu đến khâu phân phối và tiêu thụ. Ông cha ta đã từng đúc kết rằng, “một lần thất tín, vạn lần bất tin”. Sự “bất tin” này thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực xuất khẩu với nhiều lô hàng bị các nước nhập khẩu trả lại vì làm ăn gian dối.
Tiếc rằng, ngày nay, chữ
tín trong sản xuất, kinh doanh vốn được cha ông ta rất coi trọng không còn giữ được giá trị như nó đã có trong quá khứ và lẽ ra phải có trong khung cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra. Sự chiếm đoạt trắng trợn hay tinh vi các nhãn hiệu, bản quyền, thương hiệu nổi tiếng thế giới hoặc ăn cắp, kể cả bằng công nghệ cao lẫn bằng những thủ đoạn thông thường của một số doanh nhân vô đạo đức; tình trạng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, thuê nước ngoài làm hàng kém chất lượng rồi ghi sản xuất tại Việt Nam; đưa hàng hoá quá hạn sử dụng hoặc hàng hóa có những chất độc hại về vùng sâu vùng xa để lừa bà con kém hiểu biết là rất trầm trọng; Đặc biệt, nạn buôn lậu, được các cá nhân hay một nhóm người có chức trách bảo kê, nạn trốn thuế tràn lan, xoay vòng hóa đơn, chứng từ, khai giá hàng hóa nhập khẩu thấp không những chỉ làm giảm các nguồn thu của đất nước mà tai hại không kém đang làm điêu đứng, thậm chí làm phá sản những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Sự suy thoái về đạo đức kinh doanh cùng với những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, trình độ quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền và nhất là thực thi pháp luật không nghiêm là những nguyên nhân trực tiếp làm cho nhiều ngành sản xuất và nền kinh tế của cả nước nói chung phát triển không bền vững (Duy Phương, 2013). Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong kinh tế thị trường, do vậy, vừa có thể đóng vai trò thúc đẩy mạnh mẽ nhưng thiếu văn hóa, văn hóa thấp kém hoặc phản văn hóa cũng có thể đóng vai trò phá hoại hay kìm hãm sự phát triển sản xuất kinh doanh là điều hoàn toàn dễ dàng nhận ra.
Đáng ngại hơn là nạn tham nhũng, hối lộ lợi ích nhóm tiêu cực, phi pháp diễn ra kéo dài trong nhiều lĩnh vực, từ lĩnh vực quản lý, hành chính công, cấp phép xây dựng đến các lĩnh vực có liên quan tới kinh tế như đền bù thu hồi đất đai, tiếp nhận đầu tư để lập các khu công nghiệp, từ việc thẩm định khả năng tài chính của nhà đầu tư và đánh giá hiệu quả dự án đến việc đánh giá tác động môi trường, v.v. chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả. Tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng không những chưa được ngăn chặn, mà đáng nói hơn là một số vụ tham nhũng rất lớn còn chưa được xử lý kịp thời hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe. Lợi ích nhóm, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang thao túng gây nhiều khâu trong việc phòng và chống tham nhũng. Điều đó đang làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật (Nguyễn Trọng Chuẩn, 2014; Vũ Ngọc Hoàng, 2015).
Sự suy thoái về văn hoá đạo đức, cụ thể nhất là trong cung cách giao tiếp và ứng xử, cũng ngày càng bộc lộ rõ nét hơn trong những ngành mà xưa nay vốn mang các giá trị truyền thống hết sức tốt đẹp của dân tộc ta như các ngành giáo dục và y tế. Nhiều giá trị trong việc đào tạo nghề nghiệp chuyên môn và chăm sóc con người ngày nay đã biến mất và thay vào đó là sự suy thoái, sự xuống cấp đạo đức thể hiện qua việc mua bán công khai giấy phép, chứng chỉ, bằng cấp tất cả các bậc học, mua bán bệnh án, mua bán giấy chứng nhận sức khoẻ, trục lợi bảo hiểm y tế,… Tác hại của sự suy thoái văn hoá đạo đức trong các lĩnh vực này nghiêm trọng hơn nhiều so với sự suy thoái trong các lĩnh vực khác vì chúng liên quan trực tiếp đến con người, đến nguồn lực chủ yếu, một loại vốn xã hội không gì có thể thay thế trong sự phát triển bền vững.
Lòng thương người, tình thân ruột thịt, tình nghĩa gia đình, tình nghĩa vợ chồng và sự đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng làng xóm vốn là sức mạnh, là những giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc đã được thử thách qua thời gian, đang có nguy cơ bị đồng tiền làm cho xói mòn, làm cho lu mờ. Sự nhẫn tâm, thậm chí là độc ác đến tột cùng; sự thờ ơ, vô cảm trước tai họa hoặc nỗi bất hạnh của người khác, kể cả người thân hay ruột thịt, không còn là hiện tượng cá biệt.
Đặc biệt, cần đánh giá nghiêm túc và thật sự khách quan một số chương trình phát triển kinh tế, bởi trong lĩnh vực này có không ít
độ vênh giữa kinh tế và văn hóa và chính văn hóa đang chịu những tổn thất rất khó hoặc không thể nào khôi phục lại. Tình trạng nhân danh thu hồi đất để chiếm đất của đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy họ vào sâu nơi không có đất canh tác; đặc biệt, việc cho phép và lợi dụng sự cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng “rừng nghèo kiệt”, song trên thực tế không phải “nghèo kiệt” đã và đang hủy hoại nhiều khu rừng nguyên sinh trong số đó có vùng văn hóa nổi tiếng của đồng bào các dân tộc ít người. Phải thừa nhận rằng, chỗ này có lỗi cả chính sách lẫn những cơ quan quản lý và nhất là những người được giao trọng trách thi hành công vụ .
Không thể không nói đến hàng trăm công trình thuỷ điện với những quy mô khác nhau đã và đang tác động rất mạnh đến sự cân bằng sinh thái, đã “nuốt chửng” nhiều bản làng với những di sản văn hóa vô cùng quý giá, làm thay đổi nếp sống, lối sống gắn chặt với thiên nhiên của hàng triệu con người. Không ít những cánh rừng, trong đó có cả những cánh rừng đặc dụng, những cánh rừng được đồng bào các dân tộc giữ gìn nghiêm ngặt theo
luật tục, đã biến mất do có sự tiếp tay trực tiếp của những người được giao nhiệm vụ canh giữ rừng. Không ít các giá trị văn hóa, phong tục, các nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở một số vùng, chẳng hạn như kể sử thi, cũng vì vậy đã hoặc sẽ mất theo. Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là của cộng đồng các dân tộc ít người, đang ngày càng bị thu hẹp làm cho nhiều giá trị văn hóa của họ đang dần bị mai một. Cái giá phải trả cho sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần sẽ là quá đắt.
Do không được tính toán kỹ lưỡng,
thiếu tầm nhìn xa và thiếu quan điểm hệ thống và không đồng bộ khi hoạch định chính sách, cho nên mục tiêu kinh tế vì vậy đã không tránh khỏi mâu thuẫn với mục tiêu sinh thái và mục tiêu văn hóa. Chắc chắn không cần phải đợi thời gian quá dài để chứng kiến hậu quả môi trường cực kỳ tai hại do những nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện chạy than ở hai vựa lúa lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Hồng, và nhất là đồng bằng sông Cửu Long gây ra (xem Vân Trường và Anh Đức, 2016; Lạc Phong, 2017; Trường Trung - Tấn Lực, 2016).
Đã hơn 15 năm kể từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ra đời nhưng không ít những thiếu sót trong việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa vẫn chưa được khắc phục, Việt Nam vẫn “chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế… Trong hoạt động kinh tế, chưa chú ý đến các yếu tố văn hóa, các yêu cầu phát triển văn hóa tương ứng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: 52-53). Văn hóa môi trường, văn hóa sinh thái chưa thấm vào tư duy của những người làm chính sách, chưa được các cơ quan tham mưu quan tâm đúng mức. Nói cách khác
thiếu tư duy hệ thống, thiếu sự đồng bộ trong hoạch định chính sách vẫn đang là vấn đề nhức nhối lớn của đất nước.
Những thiếu sót trên đây cho đến nay, vẫn chưa được khắc phục nên một lần nữa lại được nêu lại trong Nghị quyết Trung ương 9, khoá XI (6-2014) rằng: “cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hoá, văn hoá trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hoá chưa cụ thể rõ ràng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2014). Đại hội XII của Đảng một lần nữa tiếp tục thừa nhận rằng, không những “phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường”, mà đồng thời vẫn “chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 67, 86).
Từ những điều trình bày trên đây, chúng tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh rằng, cần có nhận thức mới hơn về phát triển bền vững, trong đó
phát triển bền vững về văn hóa phải được coi là một trong những trục chủ yếu làm nên sự phát triển bền vững. Tất cả các nhân tố văn hoá phải thực sự gắn kết chặt chẽ với đời sống sinh động và mọi lĩnh vực hoạt động xã hội như các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, v.v. để trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển. Đặc biệt, sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ không thể bền vững nếu không xoay quanh trục phát triển bền vững về văn hóa. Văn hoá, do đó, “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế…” (Hồ Chí Minh, 1995: 368-369). Vì vậy, cần khẳng định mạnh mẽ điều này và cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, có khả năng thực thi cao để tránh rơi vào tình trạng hô hào hoặc kêu gọi chung chung, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng tăng trưởng kinh tế làm tổn hại hay hủy hoại các giá trị văn hóa.
Tuy nhiên, như Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua đã thừa nhận, “nhiều lĩnh vực của phát triển bền vững chưa được nghiên cứu đầy đủ … chưa xác định rõ định hướng và những nhiệm vụ mang tính tổng thể, đồng bộ…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 134). Do vậy, hơn lúc nào hết, trong điều kiện hiện nay, “trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hoá, con người” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 29). Như vậy, để phát triển bền vững đất nước thì bên cạnh sự phát triển bền vững về kinh tế, sự phát triển bền vững về xã hội và sự phát triển bền vững về môi trường, còn cần phải đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững của nhân tố
văn hoá và nhân tố
con người, bởi vì chính con người mới là nhân tố “cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996: 85), và chính “
con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011: 76). Chỉ khi nào con người
tự ý thức được chính mình là
chủ thể của sự phát triển thì khi đó con người mới sẽ tự khơi dậy và tự bộc lộ được tất cả khả năng, từ khả năng tư duy đến năng lực hành động thực tiễn, cùng với tự ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình đóng góp cho quá trình đổi mới và cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tài liệu tham khảoChương trình nghị sự 21 của Việt Nam. 2004
. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, Ban hành kèm theo Quyết định số: 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội.
Duy Phương. 2013.
Khi doanh nghiệp không coi trọng chữ tín. Truy cập từ http://www.baomoi.com/TIN TUC>KINH TE, ngày 15/6/2013.
Đảng Cộng sản Việt Nam. 1996.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam. 1998.
Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam. 2014. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
.Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Hồ Chí Minh. 1995.
Hồ Chi Minh Toàn tập - Tập 6. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội.
Lạc Phong. 2017. Thận trọng với nhiệt điện than
. Sài Gòn giải phóng, ngày 27/3.
Nguyễn Trọng Chuẩn. 2014. Tác động của lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích đối với sự phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Số 12: 3-9.
Trường Trung và Tấn Lực. 2016. Dân miền Trung kêu khổ vì thủy điện.
Báo Tuổi trẻ, ngày 7/12.
Uỷ ban Quốc gia về Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. 1992.
Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Hà Nội: 22.
Vân Trường và Anh Đức
. 2016. Nhiệt điện than bao vây đồng bằng: Một đoạn sông bốn nhà máy
. Báo Tuổi trẻ, ngày 3/10.
Vũ Ngọc Hoàng. 2015. “
Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ. Truy cập từ
http://tapchicongsan.org.vn/Home/Prinstory.aspx?distribution=33662&print-true, ngày 2/6
Nguồn: Tạp chí Xã hội học, số 2 (138), 2017, tr.9-15.